Từ quan điểm “ Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên; Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ; Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”, thầy cô giáo Trường THCS Ngư Thuỷ Bắc đã vận dụng và khẳng định tầm quan trọng của học tập từ thực tế hoạt động.
Môn học tiên phong và để lại ấn tượng ngay từ những tuần
đầu năm học của đơn vị trong hoạt động giáo dục thông qua trãi nghiệm đó là môn
Mỹ thuật.
Giáo viên dạy Mỹ thuật của đơn vị tiến hành giáo dục
học sinh thông qua trải nghiệm bằng việc sử dụng nhiều phương pháp trong
đó giáo viên tập trung khuyến khích học sinh tham gia trải nghiệm thực tế, sau
đó phản ánh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kỹ năng, định
hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng bản thân, tiến tới đóng góp tích
cực cho cộng đồng và xã hội.
Qua đó, học sinh sẽ huy động một cách toàn diện về
trí tuệ, cảm xúc, thể chất, kỹ năng và các quan hệ xã hội của bản thân trong
quá trình tham gia; yêu cầu các em phải sáng tạo, tự chủ, tự ra quyết định và
thỏa mãn với kết quả đạt được.
Thông qua giáo dục bằng trải nghiệm thực tế, học sinh
được tham gia tích cực vào việc: tìm tòi ý tưởng, phác thảo, tạo màu từ các màu
cơ bản, trải nghiệm vẽ, giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình vẽ, tự chịu
trách nhiệm với sản phẩm của mình. Kết quả của trải nghiệm không quan trọng bằng
quá trình thực hiện và những điều học được từ trải nghiệm đó, tạo cơ sở nền tảng
cho việc học và trải nghiệm của cá nhân đó trong tương lai.
Giáo viên Mỹ thuật đã áp dụng khá thành công quy
trình dạy học thông qua trãi nghiệm sau: Giáo viên điều hành lớp; học sinh thảo
luận nhóm, làm bài tập,..; học sinh giới thiệu sản phẩm, cảm tưởng, phản ứng và
phát hiện ra cách giải quyết vấn đề; học sinh và giáo viên cùng nhau phân tích
theo hướng: ai, cái gì, ở đâu, khi nào, tại sao..; giáo viên khái quát hóa kiến
thức và đúc kết bài học và những hướng vận dụng kiến thức vào thực tế.
Với THCS Ngư Thuỷ Bắc những điều kiện cần thiết để tổ
chức dạy - học thông qua trãi nghiệm còn thiếu, thậm chí chưa có, nhưng với khả
năng linh hoạt, biết khắc phục khó khăn giáo viên Mỹ thuật đã bố trí qui mô lớp
học, nhóm học sinh hợp lý, không quá đông học sinh, đảm bảo để giáo viên có thể
quán xuyến, theo dõi, hỗ trợ học sinh một cách tốt nhất. Đặc biệt, giáo viên đã
kích thích được học sinh sử dụng tổng hợp các giác quan (nghe, nhìn, chạm, ngửi...),
tăng khả năng lưu giữ những điều đã học được lâu hơn; có thể tối đa hóa khả
năng sáng tạo, tính năng động và thích ứng của các em.
Việc trải qua quá trình khám phá kiến thức và tìm giải
pháp giúp phát triển năng lực cá nhân và tăng cường sự tự tin; việc học cũng trở
nên thú vị hơn với học sinh và việc dạy trở nên thú vị hơn với giáo viên.
Trong quá trình chủ động tham gia tích cực vào quá
trình học Mỹ thuật, học sinh đã được rèn luyện về tính kỷ luật. Học sinh cũng
có thể học các kỹ năng sống mà được sử dụng lặp đi lặp lại qua các bài tập, hoạt
động, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng các kỹ năng đó vào thực tế.
Với phương pháp dạy học thông qua trải
nghiệm giáo viên Mỹ thuật đã luyện được cho học sinh cả về kiến thức và kĩ năng
học tập, tìm tòi, phân tích và áp dụng thực tiễn. Nhờ vậy, các em sẽ có được một
lượng kiến thức vững chắc, trang bị cho bản thân kĩ năng và có nững sản phẩm đẹp.

