Ngày 10/10/1954, Thủ đô náo nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Sau chín năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý
chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh,
gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của chiến dịch
Điện Biên Phủ năm 1954 , thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày
21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền
Bắc nước ta.
Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy
ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành
phố.
Ngày 30/9/1954, hai bên đã ký Hiệp định chuyển giao
Hà Nội về quân sự; ngày 2/10, ký tiếp Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành
chính. Chính phủ ta đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào
Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản Thành phố.
Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 2 đến ngày
5/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào thành phố trước, chuẩn bị cho
việc tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng.
Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển.
Đây là quận lỵ đầu tiên ở ngoại thành được giải phóng. Cùng ngày, chúng rút khỏi
thị xã Hà Đông và ở phía Bắc về Dốc Lã, cách Yên Viên 3km.
Theo kế hoạch đã định, sáng 8/10/1954, các đơn vị
quân đội của ta tham gia tiếp quản Thủ đô, theo nhiều đường tiến về Hà Nội. Chiều
8/10, một số đơn vị tiến sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở,
Bạch Mai và Vĩnh Tuy, trong khi đó, quân Pháp rút khỏi Yên Viên.
Sáng 9/10/1954, ta tiếp quản 4 quận Quảng Bá, Cầu Giấy,
Ngã Tư Sở và Quỳnh Lôi. Quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào
tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra
các khu. Lần lượt, bộ đội ta tiếp quản nhà ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn
Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16 giờ, quân đội Pháp rời khỏi thành phố Hà Nội, lặng
lẽ rút sang phía Bắc cầu Long Biên. 16h30, quân đội ta hoàn toàn kiểm soát Hà Nội,
tiếp quản thành phố an toàn và trật tự.
II. DIỄN BIẾN SỰ KIỆN NGÀY 10/10/1954
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố và
các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều
cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội.
Đúng 8 giờ sáng, cánh quân phía Tây gồm những chiến sỹ bộ binh của
Trung đoàn Thủ đô, mang trên ngực huy hiệu “Chiến sỹ Điện Biên Phủ”, xuất phát
từ Quần Ngựa (nay là Cung Thể thao Hà Nội, phố Quần Ngựa) đi qua các phố: Kim
Mã, Nguyễn Thái Học, Hàng Đẫy, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang... đến
9 giờ 45 phút tiến vào Cửa Đông.
Khoảng 8 giờ 45 phút, cánh quân phía Nam thuộc hai Trung đoàn 88 và 36
xuất phát từ Việt Nam Học xá (nay thuộc Đại học Bách khoa) đi qua Bạch Mai, phố
Huế, vòng quanh Hồ Gươm, đóng ở khu vực Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân y 108)
và khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị). Riêng Đoàn Chỉ huy tiếp quản, gồm
cơ giới, pháo binh, do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch
Trần Duy Hưng dẫn đầu, lúc 9 giờ 30 phút từ sân bay Bạch Mai đến Ngã Tư Vọng
sang Ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai lên phố Huế, Hàng Bài, Đồng
Xuân, vào Cửa Bắc.
Vào lúc 15 giờ, sau một hồi còi dài tại Nhà Hát Lớn, hàng trăm nghìn
người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy
ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc
Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng.
Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để
kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng
bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng,
hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một
nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”[1] và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm,
toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta
nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội
thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”[2].
Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt
quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch
sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.