Với mục đích để các en học sinh có thêm những hiểu biết về sự ra đời của ngày phụ nữ Việt Nam - 20/10 đồng thời biết thêm về những đóng góp của Phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử, sáng ngày 14 tháng 10 năm 2024, Trường THCS Ngư Thủy Bắc đã tổ chức tuyên truyền cho toàn thể 220 em học sinh về sự kiện này.
Bài tuyên truyền nêu
rõ: “Lịch sử dân tộc Việt Nam còn mãi ghi đậm dấu ấn chói ngời của những nữ anh
hùng hào kiệt không chịu khuất phục kẻ thù, không chịu kiếp sống nô lệ, đứng
lên chống giặc ngoại xâm giành tự do. Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ
nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có
yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu
chống Pháp, phụ nữ Việt Nam đã tham gia đông đảo vào phong trào
Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham
gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái,
Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế ....Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình
thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các
nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ như:
Năm 1927 nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là
ba chị em ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội,
các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề và học chữ. Nhóm chị Thái Thị Bôi có
các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường
nữ học Đồng Khánh. Năm 1928, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị
Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với
chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu
tiên của Đảng đã ghi: Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ
nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải
phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng
phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội,
nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ
tham gia cách mạng.
Vào ngày 20 tháng 10 năm 1930, Hội Phụ nữ
phản đế Việt Nam (nay đổi tên là Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập,
để đánh dấu sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20
tháng 10 hàng năm làm ngày truyền thống của tổ chức này, đồng thời cũng xem đây
là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày phụ nữ Việt
Nam".
Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ Việt
Nam không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến mà chính họ còn là những
chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, những nữ dân quân du kích, nữ thanh
niên xung phong mở đường, tải gạo, tải đạn với ý chí quật cường, chịu đựng gian
khổ với tinh thần lạc quan cách mạng, họ chăm sóc thương binh, đồng đội bằng tất
cả tấm lòng yêu thương. Đó chính là chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Võ Thị Sáu,
chị Lê Thị Hồng Gấm, chị Nguyễn Thị Định, Anh hùng liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy
Trâm.....Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc; họ cống hiến
cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; họ đã từng mòn mỏi
chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi
những người thương yêu của họ không bao giờ trở về; Họ chính là những người mẹ,
người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người mẹ Việt Nam anh
hùng!
