Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Vào
năm 2012, Liên hợp quốc đã công bố ngày 20/3 hằng năm là Ngày quốc tế hạnh phúc
(International Day of Happiness) theo đề xuất của Bhutan - một quốc gia có chỉ
số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường,
chất lượng quản lý mức sống và chất lượng sống của người dân.
Việc
chọn ngày 20/3 nhằm nhắc nhở thế giới rằng hạnh phúc là quyền cơ bản của con
người, là mục tiêu chung mà tất cả các quốc gia đều hướng đến, bất kể khác biệt
về văn hóa, kinh tế hay xã hội.
Theo
Liên hợp quốc, Ngày quốc tế hạnh phúc là một dịp để nâng cao nhận thức về tầm
quan trọng của hạnh phúc trong cuộc sống của nhân loại trên khắp thế giới. Liên
hợp quốc cũng lưu ý thêm rằng hạnh phúc không chỉ bắt nguồn từ sự sung túc về
kinh tế mà còn từ những cử chỉ quan tâm, biết ơn và tử tế giữa con người với
nhau; và mọi người cần trân trọng và lan tỏa hạnh phúc đang có vì một thế giới
hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Khái
niệm "hạnh phúc" được định nghĩa rất rộng. Theo định nghĩa của Liên hợp
quốc, hạnh phúc không chỉ xoay quanh sự sung túc về kinh tế mà còn là sự quan
tâm của mỗi cá nhân trong xã hội. Ngày quốc tế hạnh phúc có ý nghĩa hối thúc
chính phủ các nước thành viên đưa hạnh phúc và phúc lợi của người dân vào các kế
hoạch quốc gia và mục tiêu chính sách công, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá
trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để đảm bảo con người có một tương
lai bền vững. Việc tôn vinh hạnh phúc của nhân loại cũng được xem là bước đi cụ
thể để các quốc gia có thể sống thân ái, hòa bình với nhau, tạo dựng một thế giới
hạnh phúc.
Một số
nhà nghiên cứu thì cho rằng, hạnh phúc còn bao gồm sức khỏe tốt, có đủ lương thực
nuôi bản thân và gia đình, đủ tiền để làm và mua những gì mình muốn và có những
khoảng thời gian vui vẻ bên gia đình… Hạnh phúc còn có nghĩa là có thể nói ra
những gì mình nghĩ mà không sợ hãi, cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của
mình và có cơ hội được học tập, trở thành doanh nhân…
Trên
thế giới, mỗi nền văn hóa cũng có cách định nghĩa hạnh phúc khác nhau. Với người
Nhật Bản, hạnh phúc nằm trong sự thanh thản, cân bằng giữa công việc và cuộc sống
- điều mà họ gọi là "Ikigai" (lý do để sống). Trong khi đó, người Đan
Mạch tìm thấy hạnh phúc trong những khoảnh khắc ấm áp bên gia đình và bạn bè,
được gói gọn trong khái niệm "Hygge". Còn với người Việt Nam, hạnh
phúc đơn giản có thể là một bữa cơm gia đình sum vầy hay những nụ cười trao
nhau trên đường phố… Dù mỗi nền văn hóa có một quan điểm khác nhau về hạnh
phúc, nhưng tựu chung lại, đó là sự hài lòng với cuộc sống, sự kết nối với cộng
đồng và cảm giác an yên trong tâm hồn.
Vào
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3, nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động
ý nghĩa như hội thảo, diễn đàn về chất lượng sống, các chương trình từ thiện và
các chiến dịch kêu gọi sự tử tế. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết
định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động
nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm" nhằm nâng cao nhận thức của các
cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày quốc tế hạnh phúc,
từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh
phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, các
ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc. Đây là dịp
nhắc nhở mọi người kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của
dân tộc Việt Nam; yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người
xung quanh, trước hết là gia đình, có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực..
